Nguồn gốc tháng cô hồn theo quan điểm Phật giáo và Đạo giáo

Hầu hết mọi người đều tỏ ra lo sợ mỗi khi đến tháng 7 âm lịch vì lo sợ sẽ bị ma quỷ trêu ghẹo, ngăn cản công việc. Vậy vì sao tháng 7 lại là tháng cô hồn?

Theo quan niệm dân gian từ xưa, con người bao gồm có hai phần: phần hồn và phần xác. Sau khi chết đi, tùy theo phẩm hạnh, phúc đức của người đó lúc còn sống mà phần hồn sẽ được xét duyệt được luân hồi, đầu thai sang kiếp khác, hoặc, bị lưu đày chốn địa ngục.

Mỗi năm một lần, vào tháng 7 Âm lịch, những âm hồn đã hóa thành quỷ dữ sẽ trở lại dân gian để quấy nhiễu cuộc sống của con người. Nếu không được cúng bái gạo, muối đầy đủ, người còn sống sẽ gặp nhiều tai họa khôn lường.

Theo quan niệm của Đạo giáo, nguồn gốc tháng cô hồn bắt nguồn từ tích cổ Trung Hoa. Theo đó, tháng 7 Âm lịch hàng năm, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ môn quan, cho linh hồn những người đã khuất được quay lại dương gian để 'gặp gỡ' người thân.

Tháng này cũng là tháng xá tội vong nhân, tạo cơ hội cho ma quỷ, cho linh hồn vất vưởng được đi lại tự do trên dương thế. Vì vậy, người trần thế thường tổ chức lễ cúng bái cô hồn để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Đây cũng là dịp để những cô hồn vất vưởng có một ngày ấm no, đỡ tủi thân.

Theo quan niệm Phật giáo, tục cúng cô hồn bắt nguồn từ một câu chuyện của nhà Phật.

Tương truyền, một buổi tối khi đang ngồi trong tịnh thất, ông A Nan Đà (thường gọi là A Nan) - một đệ tử của Đức Phật - bỗng thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào.

Con quỷ này cho biết, ông A Nan chỉ còn sống 3 ngày nữa, và cũng sẽ bị luân hồi vào cõi ngạ quỷ, mặt mũi cháy đen.

A Nan sợ hãi, xin quỷ bày cho cách để tránh khỏi tai họa. Quỷ đói nói: 'Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên'.

A Nan đem chuyện bạch với Đức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là 'Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Đà La Ni'. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được tăng thêm phúc thọ.

Tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng cô hồn là 'Phóng diệm khẩu' với ý nghĩa là 'thả quỷ miệng lửa'.

Riêng trong tháng 7, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành nhất, vậy nên dân tộc ta mới có câu “cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”.

Từ đó, người ta gọi tháng 7 là tiết xá tội vong nhân, vì nhờ ơn của đức Phật mà tất cả các vong linh bị đoạ trong chốn khổ đau được tế bạt, siêu thoát.

Khi cúng Rằm tháng 7 để tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên tinh thần của phật giáo là yêu thương muôn loài, nên khi cúng người ta cúng cả cho những cô hồn mồ mả, không con cháu hương hoả.

Trong Phật giáo, linh hồn của ông bà, cha mẹ, tổ tiên mà chưa siêu thoát, vẫn đang bị đoạ ở những chốn khổ đau thì được coi là cô hồn. Nên khi cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ thế nào thì cúng cô hồn cũng phải trang nghiêm như thế.

Phật giáo quan niệm phải yêu thương tất cả mọi loài, kể cả những người không mồ không mả, chết không thờ tự hay còn gọi là cô hồn. Khi còn sống, ông bà, cha mẹ nếu “có tội” thì theo luật nhân quả khi xuống âm phủ cũng bị đoạ vào chốn khổ đau và cũng được những cô hồn.

Nên khi cúng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ bao giờ người ta cũng cúng cho cả những người đó, phần là để cúng cả tổ tiên, ông bà, cha mẹ, phần là để những cô hồn khác cùng được hưởng phước lộc.

T/H

Tin bài liên quan