Nguồn gốc và ý nghĩa Tết nguyên tiêu, rằm tháng giêng

Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam xa dần điển tích nguyên thủy của Trung Hoa mà nhập vào Phật giáo. Dù kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm Tháng Giêng nhưng trong dân chúng thì đây là dịp lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư và khuyên các Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành. Chủ tịch Hồ Chí Minh có sáng tác một bài thơ tựa đề Rằm tháng Giêng nhân ngày Tết Nguyên tiêu năm Mậu Tý 1948 tại chiến khu Việt Bắc.

Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới. Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Chính vì thế, có nơi gọi Tết Nguyên Tiêu là Lễ “hội lồng đèn” hay “hội hoa đăng”, có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế, với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo từ 13 đến 17 tháng giêng.

Tết Nguyên Tiêu của người Việt Nam

Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp. Rằm tháng giêng làm một trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt đặc biệt là Phật tử thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. So với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu Lan) thì rằm tháng giêng không quan trọng bằng.

Do rằm tháng giêng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt

Trọng tâm của hội rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Khi chùa chiền được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, được sửa chữa trùng tu to đẹp khang trang cùng với sự quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc của các cấp chính quyền và nhất là ý thức tìm về những giá trị sống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa của nhân dân được đánh thức, thì việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội rằm tháng Giêng là điều bình thường.

Khá nhiều chùa chiền nhân dịp tết Nguyên Tiêu đã lập đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. Thiết nghĩ, đây cũng là một cách tu tập, cầu nguyện có hiệu quả nhất để đem lại phước báo an lành như mong cầu của mọi người trước thềm năm mới.

Ngày nay, đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, thấm đẫm chất nhân văn ở cả thành thị lẫn nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ. Thời gian gần đây ở Hội An có tổ chức Lễ Hội Đèn Lồng Hội An định kỳ hằng năm vào dịp Tết Nguyên Tiêu. Trong lễ hội Đèn Lồng Hội An có rất nhiều chương trình tiết mục biểu diễn văn nghệ xen kẽ với rất nhiều các hoạt động nghệ thuật như sắp đặt đèn lồng, thi đèn lồng nghệ thuật, trang trí lồng đèn, bắn pháp hoa nghệ thuật… đặc biệt Lễ Hội Đèn Lồng Hội An kéo dài từ trước tết âm lịch cho đến cuối tháng giêng âm lịch tái hiện nhiều truyền thống văn hóa phong tục Việt Nam như: lễ thượng nêu, gói bánh tét, hoa đăng trên sông… Trong khoảng thời gian này nhà nhà ở Hội An đều treo đèn lồng, loại đèn lồng đặc biệt do người dân Hội An làm ra.

Tin bài liên quan