Lễ tang khi Vua băng hà thời phong kiến

Văn hoá Phương Đông nặng tình cảm, coi trọng huyết thống gia đình thân tộc, nên từ hàng ngàn năm trước, vấn đề tang lễ đã được đặt ra một cách có qui củ. Tư tưởng của các triết gia Á Đông đã nói đến bổn phận của con người trong việc tang ma một cách cẩn thận chu đáo. "Sinh", "lão", "bệnh", "tử" là bốn điều theo quy luật trong một đời người, không ai tránh khỏi. Cái chết còn có ý nghĩa chấm dứt sự sống một cuộc đời. Từ xưa, tang lễ rất trang nghiêm. Thời khắc hấp hối sắp phải vĩnh viễn ra đi của một người, không khí trong gia đình trở nên trầm lắng xuống và thật linh thiêng. Con cháu ở xa gần được báo tin vội vã quay về, họ im lặng với nỗi buồn da diết. Lúc bấy giờ thân nhân phải giữ cho được bình tĩnh.

Theo lệ xưa trong giờ phút này, con cháu thường tắm gội sạch sẽ cho người già bằng nước lá thơm rồi cắt móng chân, móng tay. Móng chân, móng tay này không được vứt đi mà phải gói lại cẩn thận để đặt vào quan tài. Người già tắt thở xong, con cháu vuốt mắt rồi thay quần áo. Đây là bộ quần áo trắng, chỉ mặc lúc chết và thường được chuẩn bị trước. Người nào quy Phật thì mặc bộ quần áo có in dấu của nhà Phật gọi là áo lục phù. Sau đó, họ buộc hai ngón chân cái của người chết lại với nhau, hai tay để lên bụng, bó vai bằng một sợi dây vải và bỏ vào miệng người chết một ít gạo sống cùng với tiền lẻ, dùng một chiếc đũa ăn cơm hàng ngày để ngáng miệng rồi phủ một tờ giấy hoặc mảnh vải trắng lên mặt. Người dân quan niệm tiền và gạo phạm hàm đó là lương thực và lộ phí cho người chết hành trình sang cõi âm. Việc ngáng đũa trong miệng, về mặt khoa học là để tử khí trong cơ thể có lối thoát ra, nhưng trong tâm thức người dân thì chết ngậm miệng là cái chết không thanh thản, còn nhiều ngậm ngùi, giằng xé với trần gian. Người ta buông màn rồi thắp một ngọn đèn dầu đặt ở cạnh đầu giường và từ lúc này phải luôn có con cháu túc trực, trông coi thi hài, không để cho mèo, chuột nhảy qua. Giải thích một cách khoa học thì đó là hiện tượng hút nhau của các điện tích trái dấu, nhưng với nhân dân thì mèo nhảy qua làm cho hồn nhập trở lại xác, người chết sẽ sống lại và ngồi dậy. Khi đó người ta phải tìm thầy cúng cao tay đến làm lễ, niệm thần chú, phù phép thì xác mới nằm xuống được.

Có thể để thi hài như vậy đợi thân nhân về hoặc các việc khác để chạy tang nhưng không được để quá ba ngày. Những đồ dùng tiếp xúc với người chết như quần áo, chăn màn, giường chiếu phải đem thả xuống sông hoặc đốt đi. Với người chết không có bệnh, con cháu thường giữ lại những quần áo còn lành, mới để mặc. Họ cho rằng dùng quần áo đó sẽ được người chết phù hộ cho luôn khoẻ mạnh, may mắn. Đặc biệt, lúc người già hấp hối, con cháu dù có đau đớn đến mấy cũng không được khóc thành tiếng, vì như vậy người chết sẽ không được nhẹ nhàng, thanh thản. Họ tối kị việc để cho nước mắt rơi vào thi hài.

Lễ tang nhà vua (Thời nhà Lê)

Khi vua băng hà thì người ta đem ướp tử thi ngài ngay và đặt lên long sàng. Trong sáu mươi lăm ngày dân chúng được phép chiêm ngưỡng. Vẫn hầu hạ, dâng cơm như khi ngài còn sống; cơm cúng xong thì một nửa đem biếu các sư và một nửa đem bố thí cho người nghèo đói.

Khi ngài vừa tắt nghỉ thì chúa Trịnh báo tin ngay cho các quan đầu các đạo và định thời hạn để tang là bao lâu: thường thường thì quan võ và quan án ba năm; tôn thất sáu tháng; triều thần sáu tháng và dân sự ba tháng. Trong ba năm để tang vua, bỏ hết các cuộc vui trừ lễ đăng quang tân quân.

Những món ăn dâng vua mới đều đựng trong đĩa phủ sơn đen; vua cạo đầu và đội mũ gai. Các hoàng thân và bốn mươi quan đại thần cũng để tang như vậy đến khi nào rước linh cữu xuống thuyền đem đi an táng một nơi đã định mới thôi. Ba quả chuông đặt trên một ngọn tháp cũng đánh mãi đến khi linh cữu rước xuống thuyền.

Hôm tam nhật, các quan mới được vào làm ai điếu tiên vương và từ hôm thứ mười giở đi dân sự mới được vào chiêm bái. Trong thời hạn sáu mươi lăm ngày này, chúa Trịnh sửa soạn tang lễ; vì lễ càng rực rỡ bao nhiêu chúa càng được tiếng bấy nhiêu.

Từ cung ra đến bến đậu thuyền chở linh cữu, đi mất hai ngày đường và đường che vải tím là màu của vua. Nhưng cũng con đường này đám tang đi về mất những mười sáu ngày. Cứ cách một phần tư dặm lại có dựng một cái quán có chứa nước uống và dựng bếp để hút thuốc. Lúc vua mới trở về thì số vải nói trên được cuộn lại và đem về phân phát cho các nhà sư.

Đám tang đi theo thứ tự như sau: Hai người đi đầu là cấm binh vẫn canh gác cửa cung hai tay cầm hai cái chùy; chùy chứa đầy pháo bông; đi trước hô tên vua lên. Mười hai người đi sau là mười hai người đầu trong bọn thủy binh kéo linh xa trên có viết tên tiên vương. Rồi đến một đoàn mười hai con voi: bốn con đầu, có bốn người cưỡi tay cầm cờ của vua; bốn con sau có đóng bành; mỗi con mang sáu người vác súng hoặc cầm hỏa thương (? lance à feu), bốn con cuối mang bốn cái hòm; hai hòm đầu thì bịt kín mặt đàng trước và hai bên đều lồng kính; hai hòm sau thì có sáu mặt và bịt lưới thép hoặc cửa kính.

Tiếp vào đấy là một quan Đại tư mã cưỡi ngựa, theo sau có hai quan hầu cũng ngồi ngựa. Liền đấy có sáu cặp ngựa không người cưỡi, nhưng mỗi con có một quan vệ úy kèm giữ. Sáu con ngựa đầu yên cương rất quý giá, hàm thiếc và các vật dụng kim khí ở yên cương đều bằng vàng, yên thêu chỉ vàng; sáu con sau yên cương cũng nạm vàng.

Đoạn thứ năm là xe linh cữu vua có tám con hươu đã luyện thuần thục kéo; mỗi con có một quan vệ úy đi kèm giữ. Tân vương đi theo sau linh cữu, bận sa tanh trắng, đầu đội mũ rơm; các vương đệ cũng vậy. Chung quanh có phường bát âm. Sau các vương tử là các phi tần, công chúa bận sa tanh trắng, có các mệnh phụ thể nữ theo hầu bận màu tím. Chung quanh lại có phường bát âm. Rồi đến các thân vương mặc áo tím, mũ rơm; bốn quan tổng trấn vai vác gậy quàng một cái túi vàng là tiền các trấn đem về dâng liệu để tiêu dùng dưới hoàng tuyền.

Theo sau còn hai chiếc xe, mỗi xe tám ngựa kéo; trên mỗi xe có một hòm đầy vàng bạc và đồ quý giá để tiên đế đem sang chi dùng thế giới bên kia. Đi đoạn hậu là văn võ bách quan, một phần cưỡi ngựa, tùy theo chức phẩm.

 

Khám phá sự thật khá thú vị liên quan tới lễ tang của các hoàng đế

Đầu tiên, không gõ chuông báo thời gian: Ở thời đó, bách tính thuờng nắm bắt thời gian thông qua tiếng chuông của triều đình, nếu đánh chuông sẽ ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Thứ hai, dán cáo phó. Khi hoàng đế băng hà, ngay lập tức sẽ dán cáo phó tại cung điện thông báo về cái chết của hoàng đế, sau đó các cáo phó cũng sẽ được gửi đến tư gia của các thân vương gia tộc và các phủ quan trên khắp đất nước.

Thứ ba, để tang. Các quan chức sẽ mặc tang phục, bách tính trên khắp cả nước thì mặc quần áo giản dị, bình thường, riêng bách tính ở kinh thành sẽ mặc trong 27 ngày quốc tang, còn dân chúng ngoại thành chỉ cần để 13 ngày quốc tang. Hoàng thân quốc thích thì mặc quần áo thường phục trong 3 ngày đầu, kể từ ngày thứ 4 trở đi sẽ mặc tang phục tới 27 ngày sau.

Thứ tư, khóc trước linh cữu. Đây là nghĩa vụ của các quan trong triều đình, bách tính không cần phải thực hiện điều này. Trong ngày thứ hai khi cáo phó được phát ra, các quan văn võ trong triều đều tới cổng Tư Thiện để khóc thương tiếc vong linh hoàng đế, họ sẽ khóc ở đó trong một ngày, ngoài ra, nhằm ngăn chặn các vị quan này trở về nhà sẽ nảy sinh “quan hệ” với nữ giới, nên triều đình sẽ quy định về nơi ăn nghỉ tập thể, họ không được phép về nhà. Ngày thứ tư họ sẽ mặc tang phục, mang giầy gai. Sau 10 ngày họ mới có thể mặc quần áo hàng ngày.

Các vị phu nhân quan tam phẩm trở lên sẽ phải mặc vải gai, tay áo lớn, cổ tròn, khăn gai trải đầu cùng với phu quân của mình tới trước cổng Tư Thiện vào sáng sớm để khóc vong linh hoàng đế. Sau 3 ngày họ có thể mặc quần áo thường phục.

Riêng các quan chức cấp thấp khác thì không có tư cách tới cổng Tư Thiện như các quan cấp cao, họ chỉ có thể ở nhà mặc thường phục, hàng ngày chia thành 2 lần họ phải tới phủ Thuận Thiên hướng về Kinh thành để khóc thương tiếc hoàng đế trong 3 ngày. Các sứ thần các nước khác sẽ được triều đình mang tang phục tới để họ cùng các quan khóc vong linh của vua.

Thứ năm, các chùa trong khu vực kinh thành phải đánh 30.000 hồi chuông

Thứ sáu, trong kinh thành cấm tuyệt đối các hoạt động giết mổ trong 13 ngày.

 

Đám tang Vua Khải Định

 

Đoàn đi qua núi Châu Ê (triền núi Châu Chữ)

 

Ðoàn đưa đám đi ra cổng thành

 

Trùng tang

Theo phong tục, ngày giờ người chết vừa tắt thở phải nhớ chính xác để đem cho thầy tự xem có bị rơi vào giờ trùng tang hoặc bị quỷ tinh ám ảnh hay không. Nếu gặp ngày giờ xấu thì phải nhờ thầy dùng bùa để tống xuất, lá bùa này được dán trên quan tài và cho vào những vỏ ốc chôn ở bốn phía ngôi mộ, hoặc bỏ vào quan tài một cỗ bài tổ tôm, quyển lịch Tàu hay lịch ta, tàu lá gói để trấn áp ma quỷ, hoặc khi đem chôn thì có một phường tuồng đóng vai thiên thần đi trước đám tang múa thành những đạo bùa yểm để trừ tà ma ở dọc đường hoặc ở mộ huyệt (trường hợp này mộ huyệt phải đào tam cấp).

T/H.

Tin bài liên quan