Gieo hạt giống thiện lương trong tâm hồn

Chàng trai trẻ đi đến túp lều trong núi và hỏi một lão tiên sinh cách làm thế nào để giúp cho lòng mình được bình an. Đây không phải là lần đầu tiên cậu đến xin lời khuyên. Sau khi xuống núi, trải nghiệm cuộc sống thực tế một thời gian nhưng cậu vẫn không tìm ra điểm mấu chốt giúp cho nội tâm bình thản, vì thế vào ngày cuối tuần cậu lại trở lại núi. Cậu cho rằng, muốn cho lòng bình an nhất định là có đường tắt và có một phương thuốc hữu hiệu. 

Lần này lão tiên sinh trong núi vẫn trả lời cậu như những lần trước, yêu cầu cậu quan sát suy nghĩ tư tưởng của bản thân nhiều hơn, phân biệt niệm thiện và ác, khắc chế những ý nghĩ không tốt. Lão tiên sinh từng nói nhiều lần, cũng nghiêm túc nhắc nhở nhiều lần, nhưng chàng trai trẻ vẫn không mấy để ý tới điều này. 

Cho nên lần này nghe lão tiên sinh lại nói như vậy, trong tâm phát sinh ý nghĩ bất phục: “Ôi, lão tiên sinh, đó chỉ là ý nghĩ trong đầu mà thôi, cháu cũng không thật sự làm việc xấu. Huống hồ, mỗi ngày cháu đều trải qua việc bôn ba mệt mỏi, công việc quá nhiều, ý niệm sinh ra càng nhiều hơn, chúng như ong vỡ tổ ở trong đầu làm loạn tâm trí. Hơn nữa cháu sẽ bắt được chúng sao? Ngài bảo cháu quan sát mỗi từng suy nghĩ, cháu biết đó là thật thì phải làm thế nào? Là ác thì xử lý ra sao? Cháu không phải là cháu sao? Cháu không thấy được bản thân có thay đổi gì!”.

Người thanh niên đứng dậy, từ biệt lão tiên sinh rồi quay người xuống núi. Lão tiên sinh nhìn theo bóng lưng của người thanh niên khẽ mỉm cười, ý tứ hàm xúc có phần thâm sâu. 

Trên đường xuống núi, chàng trai trẻ gặp hai ông cháu đang đi tản bộ. Người ông một tay dắt cháu một tay chỉ vào cái câu to và nói: “Cháu nhìn kìa, đó là cây đoạn, cây trăn, bên kia là cây dâu…” 

Cậu bé hỏi: “Ông ơi, những cái cây này lớn lên cao thật đấy. Hạt của chúng chắc cũng lớn phải không ạ?”

Ông nội hiền lành nhìn cháu trai của mình, cười tủm tỉm rồi nói: “Đừng nhìn chúng đều cao lớn như vậy, nhưng hạt của chúng so với hạt vừng chẳng xê dịch là mấy”. 

Người ông nhặt những hạt rơi vãi trên mặt đất và kể một câu chuyện ngụ ngôn cho cháu trai nghe. Ông lấy cây dâu và cỏ dại làm ví dụ. Lúc còn là hạt giống, chúng gần như giống nhau về hình dạng, kích thước và trọng lượng, thậm chí người dân rất khó phân biệt.

Hạt của cây dâu nói, bản thân chỉ muốn làm điều thiện, làm điều tốt và trở thành một cây lương thiện. Do đó hạt dâu chỉ một mực yêu cầu bản thân giữ lấy tấm lòng thiện lương, luôn luôn hướng thiện, nói lời tốt đẹp, làm nhiều điều thiện, cho dù gặp phải phong ba bão táp hay sương tuyết mưa đá, vẫn luôn giữ vững tấm lòng như thế. Nó không nghĩ xấu về người khác, cũng không sinh tâm oán giận. Cứ như vậy, cây dâu sinh trưởng càng ngày càng lớn, càng ngày càng cao. 

Nhờ giữ vững tấm lòng thiện lương, sau khi hạt dâu nảy mầm sinh trưởng, toàn thân nó đều là bảo vật. Lá dâu dùng để nuôi tằm nhả tơ, dệt thành gấm tinh mỹ, quả dâu giúp cho tóc đen mắt sáng, vỏ cây và thân cây dâu khi kết hợp lại trở thành vị thuốc tốt, có thể chữa bệnh cho người. Cây dâu kiên trì với thiện tâm như thuở ban đầu khiến cho nó từ nhỏ tới lớn không ngừng phó xuất, nhưng chính bởi không ngừng phó xuất mà không gặp phải tổn thất hay nguy hại gì trong quá trình sinh trưởng. Ngược lại còn được trời đất che chở giúp nó càng ngày càng khỏe mạnh. 

Ông ơi, cháu cũng muốn trưởng thành giống như cây dâu này ạ!” Người cháu nghe ông nội nói, đôi mắt bừng sáng, cảm thán hỏi: “Ông nội ơi, thế còn hạt cỏ dại thì sao ạ?” 

Lúc này ông nội bẻ một mẩu cỏ khô, nhổ hạt ra rồi nói: “Cháu xem này, hạt cỏ trông to hơn hạt dâu một chút. Nhưng hạt cỏ dại lại quá buông thả, cho rằng bản thân rất tài giỏi mà mong muốn một ngày chiếm trọn ngọn núi lớn. Vì muốn chiếm hết ngọn núi lớn nên nó đã nghĩ mọi biện pháp đem phiền toái đến cho người khác. Khi cây dâu còn nhỏ, lúc chỉ cao vài centimet, cỏ dại đã cao tới nửa thước rồi. Cỏ dại vươn cao tấm thân mảnh khảnh của mình chọc vào sườn cây dâu cười nhạo và lôi kéo cây dâu để cùng ganh đua cao thấp. Tuy nhiên cây dâu đã không để ý đến nó và nhắc nhở bản thân giữ vững bản tính thiện lương, không nên giống nó mà gây thương tổn cho người khác. Khi cây dâu còn nhỏ, lúc ấy chưa có trái thì đã biết lấy lá nuôi tằm. Vì loài cỏ dại thường nghĩ cách chọc tức người khác, bắt lỗi người khác nên cũng tự làm tổn hại sinh khí của chính mình và để lại những vết sẹo chồng chất nên không thể phát triển một cách tốt nhất. Cho nên rễ của nó, lá cây cùng thân thể vô cùng nhọn yếu. Cây dâu và cỏ dại cùng tắm nắng, cùng hứng sương, nhưng cây dâu thiện lương càng ngày càng cao lớn và khỏe mạnh hơn, trong khi đó cỏ dại càng ngày càng mỏng hơn, và tuổi thọ của chúng trở nên ngắn hơn, ngắn đến mức nó không thể sống sót qua mùa đông”. 

Đây vốn là câu chuyện ngụ ngôn đơn giản, chàng trai trẻ vô tình nghe thấy lại tiếp thu bằng cả tấm lòng. Lại nói, người trẻ tuổi này tâm tính không tệ nhưng lại có tồn tại một số vấn đề nhỏ. Sau khi nghe ông già giảng nói, trong tâm đã minh bạch, sở dĩ lão tiên sinh bảo anh quan sát tư tưởng bản thân động niệm thiện hay ác là vì những tâm niệm đó giống như những hạt giống này, rồi sẽ phát triển thành những loài cây khác nhau.

Hạt giống thiện lương sẽ càng ngày càng phát triển, ở trong nội tâm người mà phát triển thành cây đại thụ che trời, giống như ông lão kia giảng nói về cây dâu, toàn thân đều là bảo vật. Mặc dù nó liên tục phó xuất, trong tối tăm nó lại được Thượng Thiên trợ giúp để phát triển cao lớn hơn, cung cấp cho nó mọi thứ cần thiết một cách vị tha không ngừng nghỉ. Thượng Thiên hy vọng rằng cây dâu trưởng thành không phải là mục đích mà là mong nó sau khi phát triển có thể mang đến lợi ích cho rất nhiều người, giúp đỡ nhiều người hơn. 

Người trẻ tuổi cũng hiểu rằng ác niệm cũng giống như mầm mống của loài cỏ dại ấy, nếu không kiềm chế nó sẽ phát triển một cách điên cuồng, thậm chí chiếm núi làm vua, cuối cùng khiến nội tâm nhỏ bé yếu ớt tới mức không chịu đựng nổi một cú đả kích. Nhưng cỏ dại dù điên cuồng đến đâu thì cuối cùng cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của thời tiết, đến mùa thu chúng sẽ khô héo, chưa đến mùa đông thì đã tàn lụi, không còn chút hình dạng và sức sống nào. 

Sau khi nghe ông lão kể câu chuyện ngụ ngôn, cuối cùng chàng trai cũng hiểu được lời lão tiên sinh trong núi nói, giống như được khai sáng, trong lòng tràn ngập một tia nắng bình yên. Cậu quay đầu nhìn lại ngôi nhà tranh trong trên núi rồi mỉm cười. Khi nhìn lại thì cậu đã không thấy hai ông cháu kia đâu, cũng không biết hai người họ đi theo đường nào.

San San.

Tin bài liên quan