Phong thuỷ và những điều lưu ý khi làm thương mại

Những nguyên tắc căn bản của khoa Phong Thủy đều được áp dụng cho công việc thương mại. Chẳng hạn, một người có hướng Sinh Khí là hướng chính Nam, thì dù nhà ở hay cơ sở thương mại của người này cũng nên xây về hướng chánh Nam.
Hoặc nếu tám cung Bát Quái phân định trên một căn nhà ở, thì cũng áp dụng đúng như vậy cho kinh doanh hay trụ sở. Những ảnh hưởng gì của Phong Thủy mang đến kết quả tốt hay xấu cho một căn nhà, thì cũng có cùng kết quả như vậy cho một cơ sở thương mại hoặc văn phòng công ty. Chỉ khác với nhà ở là những địa điểm kinh doanh này còn bị chi phối thêm bởi ba nguyên tắc căn bản sau đây:

1. Nguyên tắc thứ nhất:

Mỗi dịch vụ thương mại có một đặc tính riêng, do đó, khoa Phong Thủy dùng một hành của Ngũ hành để tượng trưng cho đặc tính của dịch vụ thương mại đó.

Ví dụ: quán cà phê hay tiệm bán nước thuộc hành Thủy. Công ty bất động sản mua bán nhà đất, thuộc hành Thổ. Cây xăng hay những cơ sở kỹ nghệ thuộc hành Hỏa. Tiệm vàng và nữ trang thuộc hành Kim. Tiệm bán bàn ghế, tủ giường thuộc hành Mộc v.v…

2. Nguyên tắc thứ hai:

Mỗi khu thương mại, được xây cất theo những hình dạng riêng, và mỗi hình dạng của khu thương mại được tượng trưng bởi một hành trong Ngũ hành.

Ví dụ: Khu thương mại xây có dạng hình khối vuông, thì thuộc hành Thổ. Khu thương mại có dạng hình khối chữ nhật nằm ngang hay dựng đứng như những tòa nhà chọc trời, thì thuộc hành Mộc. Có dạng hình khối bán nguyệt, hay như nhà vòm hoặc hình tròn, thì thuộc hành Kim. Nếu xây theo khối hình tháp thì thuộc hành Hỏa. Có hình dạng như lượn sóng thì thuộc hành Thủy. Và như vậy, khi chúng ta thuê một căn trong một khu thương mại, thì cơ sở làm ăn của chúng ta phải chịu chi phối bởi hành của khu thương mại này.

3. Nguyên tắc thứ ba:

Như chúng ta đã nói trên, mỗi dịch vụ thương mại mang một hành riêng, tượng trưng cho đặc tính của dịch vụ đó. Như vậy, trong một khu phố, hành của mỗi dịch vụ thương mại sẽ chịu sự tác động hỗ tương với hành của các dịch vụ thương mại chung quanh. Để rõ ràng hơn nguyên tắc sinh khắc của Ngũ Hành ứng dụng trong cơ sở thương mại, chúng ta lấy một vài thí dụ sau đây làm điển hình:

Ví dụ: Một khu thương mại xây theo hình chữ nhật, là mang hành Mộc. Khu phố này tọa lạc trên một lô đất hình chữ nhật, cũng là hành Mộc. Như vậy, khu phố này đã đắc cách “Lưỡng Mộc thành lâm”. Hoặc một khu phố khác xây theo hình vuông, nằm trên một miếng đất hình vuông, tức là đắc cách: “Lưỡng Thổ thành sơn”, đều là những cách tốt.

Một trường hợp khác như một khu phố xây theo hình vuông, tọa lạc trên một khu đất hình tam giác. Trong trường hợp này, hành Hỏa của khu đất sẽ sinh cho hành Thổ của khu phố. Như vậy, khu phố này sẽ có triển vọng phồn thịnh. Nếu trong khu phố này, có một tiệm bán vàng bạc, nữ trang, thì tiệm này sẽ được hưởng sự thuận lợi hơn các dịch vụ thương mại khác chung quanh.

Lý do là hành Hỏa của khu đất sinh cho hành Thổ của khu phố. Và hành Thổ của khu phố sẽ phù trợ cho hành Kim của tiệm vàng này. Nếu cứ theo nguyên tắc tương sinh của Ngũ Hành mà suy luận, thì nếu bên cạnh tiệm vàng, có một văn phòng bất động sản, thì hành Thổ càng được tăng lên mạnh hơn, khiến cho hành Kim càng dồi dào. Và nếu bên cạnh kia của tiệm vàng, là một quán cà phê hay một văn phòng về dịch vụ du lịch, thì hành Kim của tiệm vàng lại sinh cho hành Thủy của quán cà phê hay văn phòng du lịch. Và nếu một người am tường về Phong Thủy, mở ngay bên cạnh quán cà phê này một tiệm bán bàn ghế, tủ giường thì thật là đúng cách. Cứ như vậy, chúng ta sẽ thấy dễ dàng tìm được sự hỗ tương của các dịch vụ thương mại trong một khu phố dựa trên nguyên tắc sinh khắc của Ngũ Hành.

Tin bài liên quan