Làm thế nào để tâm tĩnh thân an

Đang tiết thu nắng đẹp bỗng dưng trời mưa to, và bạn bị cuốn vào cảnh hỗn loạn. Dù bạn đã hết sức cố gắng nhưng biết làm sao khi con đường hàng ngày bạn đi nay đã biến thành dòng sông nhỏ; xe cộ bị tắc nghẽn làm bạn mãi mới về đến nhà. Nhưng khi về đến nhà, bạn lại thấy trước mắt mình là một cảnh tượng kinh hoàng: nước đã tràn vào nhà và mọi thứ đang không còn như trước nữa. Cuộc sống bị đảo lộn nghiêm trọng khi bạn bất lực đứng nhìn một đống đồ đạc không kịp chạy lụt bị nhão ướt. Rồi sau khi khuân khuân vác vác, chuyển chuyển, kê kê, rồi đến be be tát tát, bạn lại ngán ngẩm trước nguy cơ phải sắm sửa đồ đạc lại từ đầu…

Bạn đang đi trên đường và vô cùng khó chịu với những người tham gia giao thông cùng bạn. Họ luôn chèn bạn, vượt ẩu, luồn lách, vừa thiếu văn minh vừa vi phạm luật và cuối cùng họ sẵn sàng gây hấn với bạn cho dù bạn chẳng hề có lỗi gì…

Bạn là cư dân của mạng xã hội và bị hacker ăn cắp tài khoản. Bạn bị “ném đá” vì những việc chẳng đâu vào đâu. Những thông tin về bạn bị bóp méo, sai lệch. Có quá nhiều người dựng chuyện nói xấu bạn và nhiều kẻ đang cố tình khai thác loại tin tức như thế, như thế… khiến bạn điên đầu…

Cuộc sống của bạn luôn luôn là như thế: có lúc vui, có lúc buồn và có lúc đầy rẫy khó khăn, căng thẳng. Mặc dù bạn cố gắng để giữ cân bằng, nhưng thế giới xung quanh dường như vẫn quá hỗn loạn: các sự việc không mong muốn cứ diễn ra, cứ rối tung cả lên. Có cách nào để bạn tìm thấy sự bình an trước cảnh hỗn loạn đó? Làm thế nào để bạn cân bằng trước những khó khăn, thử thách?

Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh của bạn và đã tìm được lối thoát nhờ làm theo lời khuyên của một người bạn đang tu Phật. Đó là: tự cân bằng bản thân, tự thay đổi bản thân, và luôn thực hành nhẫn nhịn khoan dung. Xin chia sẻ với bạn các trải nghiệm này để bạn có thể đủ duyên tìm được tâm thái an vui như tôi đã có được trong thời gian qua.

 

Tách mình khỏi thế giới hỗn loạn để tĩnh tâm lại

Trước hết, hãy thử tách mình ra khỏi hoàn cảnh hỗn loạn để tĩnh tâm lại. Bởi suy cho cùng thì một khi quá lo lắng hay cứ than phiền, chán ngán trước những khó khăn phiền toái kể trên, bạn cũng chẳng được gì, thậm chí có khi còn bị rối thêm. Theo lời khuyên của người bạn tu Phật, tôi đã đóng cửa lại, ngồi lặng yên một mình suy nghĩ. Hàng ngày, tôi cố gắng dậy sớm hơn mọi người trong gia đình, tìm một nơi yên tĩnh để ngồi thiền.

Để có thể ngồi thiền, tôi đã tìm một chỗ ngồi thật thoải mái, và tất nhiên là phải mặc bộ đồ đủ rộng để tránh việc bị gò bó nếu muốn ngồi được lâu. Lúc đầu, do không ngồi được song bàn nên tôi chỉ ngồi tựa trên gót chân. Tôi đặt đồng hồ báo thức, nhắm mắt lại và chẳng nghĩ gì cả. Lần đầu tiên ngồi thiền như vậy, tôi chỉ ngồi được 5 phút nhưng sau đó mỗi lần tôi đã có thể thiền thêm 5 phút. Và, tôi thực hành ngồi thiền mỗi ngày một lần vào buổi sáng và một lần buổi tối. Sau những lần ngồi thiền như vậy, tôi nhận thấy mình ở trong trạng thái tĩnh tâm hơn; tôi dần biết mình đang bị vướng ở đâu và tôi phải làm gì; và kết quả các công việc mà tôi làm sau đó cũng tốt hơn nhiều. Các khó khăn cũng dần được gỡ bỏ sau khi tôi tĩnh tâm tìm cách giải quyết. Sau này tôi còn rút ra một kết luận nữa là hiệu quả không phải ở chỗ bạn ngồi được bao lâu, mà là bạn cần ngồi thiền một cách đều đặn và chú tâm, tức là không để tâm vào việc gì khác ngoài việc bạn đang thiền.

 

Giảm bớt tin tức và mạng xã hội

Lời khuyên thứ hai là giảm bớt tin tức và mạng xã hội. Nếu thực sự bạn thấy thế giới xung quanh quá rắc rối, hãy tắt máy đi. Bạn hãy cứ thử tránh xa cái tivi, điện thoại hay các mạng xã hội trong vòng một tuần để xem kết quả thế nào. Bởi tôi đã nghiệm thấy các thông tin mà chúng ta tiếp cận hàng ngày đã gây thêm phiền não cho chúng ta, nhất là với các tin tức trên mạng, các bộ phim tình cảm sướt mướt, phim hành động, bạo lực… Đôi khi chúng ta đã làm phiền tâm trí mình khi dành biết bao thời gian mỗi ngày bên các phương tiện công nghệ điện tử, hết cái tivi, điện thoại rồi lại đến máy tính wifi mà quên đi cách tận hưởng tất cả thời gian rảnh mà mình có. Và tôi đã tìm lại được tôi trong yên lành tĩnh tại khi gỡ bỏ tất cả những ràng buộc đối với các loại tin tức và mạng xã hội điện tử này.

 

Giữ cân bằng trước những khó khăn thách thức

Lời khuyên thứ ba mà tôi nhận được là giữ cân bằng trước những khó khăn thách thức để thực hành nhẫn nhịn, bao dung. Chúng có thể là những điều nhỏ nhặt nhất mà cũng có thể là cái gì gì đó rất lớn lao trong những khoảnh khắc của cuộc đời khiến chúng ta có thể bực bội, khó chịu, khiến chúng ta mất bình tĩnh. Đôi khi vì quá bực tức mà ta đã mất cân bằng, thậm chí còn có thể quên đi cả phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp hàng ngày. Có lúc những khó khăn thách thức này khiến chúng ta nổi đóa lên trước những điều mà nếu bình tĩnh lại, chúng ta lại thấy chúng chẳng có gì là to tát cả.

Để cân bằng được bản thân mình, cần phải nhìn vào mình để tự đánh giá và nhìn nhận tình trạng bản thân mình. Đôi khi chỉ cần bình tĩnh lại, lùi một bước và ngẫm nghĩ lại, bạn sẽ thấy xung quanh mình mọi thứ không đến mức tệ lắm đâu. Hơn thế nữa, biết đâu bạn còn thấy cảnh biển lặng và trời trong ngay trước mắt. Mặt khác, chỉ cần bạn nhận thức được mình đang bị mất cân bằng cần chỉnh sửa lại, bạn đã chiến thắng một nửa rồi.

Hãy nhìn lại mình, nhìn sâu vào bên trong để hiểu mình và tự điều chỉnh mình. Người tu Phật gọi điều này là tu hướng nội. Phật gia dạy tu Phật tu tại Tâm, và hướng nội là một Pháp Bảo. Hướng nội là phương pháp tu tâm sửa tính mang lại kết quả tức thì. Nếu bạn coi việc nhìn nhận lại mình hay nhẫn nhịn là một điều khó khăn thì bạn sẽ không thể nào đủ dũng khí để vượt qua và ngược lại, nếu bạn coi điều đó là đơn giản thì nó sẽ là một chân lý đơn giản và bạn dễ dàng quẳng vứt, gỡ bỏ những vướng mắc ấy đi để được thanh thản, bình an. Cũng hệt như việc bạn đổ đầy các thứ vào một cái chai, nút lại và vứt nó xuống biển. Cái chai kia sẽ mãi chìm xuống và chỉ nổi lên khi bạn quẳng bớt, rồi quẳng hết các thứ nặng kia ra khỏi nó. Để thực hành tu hướng nội, bạn cần lập một kế hoạch cho bản thân để tự mình điều chỉnh lại mình,  để tự mình nâng cao tầng thứ của mình. Có thể bạn cần phải nghỉ một chút, tăng gấp đôi thời gian ngồi thiền, bỏ các chất kích thích, lục tìm và nhìn nhận lại các sai sót của mình để sửa chữa, để nhẫn nhịn, để bao dung…

Hãy tĩnh tại nhìn lại mình khi bạn thấy bản thân mình đang mất cân bằng, bạn sẽ không bị lôi vào cơn lốc hỗn loạn của cuộc đời. Hãy đối đãi với bản thân mình bằng tâm nhẫn nhịn và đối đãi với những người xung quanh bằng tâm bao dung. Nhẫn nhịn và bao dung sẽ cho bạn một cảnh giới tinh thần mới, rất cao thâm, rất mỹ diệu và khi đó, bạn sẽ đạt được trạng thái tâm tĩnh thân an. Khi đạt được thân tâm an thái, bạn đã ở trong cảnh giới tinh thần ở tầng cao và có được chữ NGỘ rồi đấy!

 

Minh Ngọc

Tin bài liên quan