Giai thoại về phong thuỷ ngôi mộ phát tích ở Bắc Ninh

Dòng họ Đàm Thận tại Bắc Ninh nổi tiếng cả nước bởi liên tiếp nhiều thế hệ con cháu của dòng họ này đều đỗ đạt vang danh. Nhiều người cho rằng, chuyện này có liên quan đến 2 ngôi mộ thuỷ tổ được bậc thầy phong thủy Tả Ao tự tay tìm thế đất đặt mộ theo hướng khoa trường hữu song trúng chi cát, hiện nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn?

Làng Hương Mạc (xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) hay còn gọi với tên tục là làng Me có dòng họ Đàm Thận nổi tiếng, sánh ngang với các dòng họ danh gia vọng tộc trên cả nước.

Theo ông Côn, đời thứ 20, một người nhiều năm trông nom, hương hỏa dòng họ Đàm Thận và khá am hiểu về lịch sử dòng tộc, thì di tổ họ Đàm Thận, tên hiệu Vô Tâm sống vào cuối đời Trần (1400), còn tên húy, năm sinh, ngày giỗ đã thất truyền. Hai cụ sinh được hai người con trai là Trung Khoa (1433) và Minh Đạo (1436).

Trong gia phả có ghi:

“Thông tin về cụ bà, trong gia phả chỉ có ghi tên hiệu Từ Hạnh. Mộ hai cụ được hợp táng tại gò Thổ trên một thửa ruộng phía Nam của làng. Đến nay ngôi mộ hợp táng hai cụ vẫn còn và chính ngôi mộ này được cho rằng thầy địa lý Tả Ao trấn yểm đặt huyệt.

Gia phả cũng có ghi chi của cụ Trung Khoa sau này suy vi, lưu lạc khắp nơi không biết chốn nào. Cụ Khải tổ Minh Đạo lấy cụ bà, hiệu là Từ Ý và cũng sinh được hai người con trai là Đàm Thận Huy và Đàm Thận Giản. Sinh thời bà Từ Ý phải ở góa nuôi hai con, một đời lam lũ, tiết nghĩa thờ chồng. Cụ bà là người có công lớn đã mời thầy địa lý Tả Ao xem đất, trấn yểm, đặt mộ cho bố mẹ chồng và chồng để con cháu đời đời hưởng phúc.”

Tương truyền, Tả Ao hay Tả Ao tiên sinh, là nhân vật làm nghề địa lý phong thuỷ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông được cho là tác giả của một số cuốn sách Hán Nôm cổ truyền bá thuật phong thủy của Việt Nam. Trong dân gian tương truyền nhiều giai thoại cổ về hành trạng thuật phong thủy của ông ở các làng xã Việt Nam thời xưa. Tả Ao có quê ở làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Quanh năm Tả Ao đi đây đó khắp trong nước để tìm những khu đất quý. Một hôm Tả Ao đi qua, bất chợt dừng lại trước ngôi mộ của khải tổ Minh Đạo, bèn buột miệng khen nhà nào phúc đức lớn để đúng huyệt trời cho, nhưng tiếc rằng chưa đúng hướng. Đến giữa làng, Tả Ao hỏi ra mới biết người nằm dưới mộ là chồng người đàn bà phúc đức, chồng mất sớm nhưng vẫn tiết hạnh thờ chồng nuôi con.

Nói về ngôi mộ tổ đặc biệt này, ông Đàm Thận Côn cho biết:“Thật ra ngôi mộ khải tổ Minh Đạo được đặt tại vị trí mà không ai muốn đặt. Cũng bởi, nhà nghèo túng, làm ma không táng nên họ hàng, làng xóm tìm một vũng trâu đầm vừa dễ đào vừa không mất công đào sâu. Điều không ngờ đấy lại là vị trí mà thầy địa lý Tả Ao khen đẹp, nhưng chưa đúng hướng”.

Theo tài liệu dòng họ ghi chép lại, Tả Ao tiên sinh tìm đến một ngôi nhà tranh vách đất, ba gian hai chái của ba mẹ con bà Từ Ý. Gặp bà, Tả Ao không tiết lộ danh tính mà xưng là thầy đồ xứ Nghệ. Tả Ao phân trần về sự đường đột xuất hiện của mình rằng nghe tiếng hai con của bà học khá giỏi, trí tuệ hơn người nay xin được phụ đạo thêm. Bà nghe nói vậy mừng quá liền dọn dẹp hai gian nhà trên cho thầy và hai con làm chỗ ăn ở và học hành, còn bà dọn xuống gian nhà dưới ở.

Thời gian ở nhà bà, thầy Tả Ao thử xem cụ bà có giữ phẩm hạnh hay không, thỉnh thoảng ông trêu ghẹo, bông đùa, nhưng tuyệt nhiên bà không mảy may để ý. Đến ngày phải đi, Tả Ao thử một lần cuối xem bà phản ứng ra sao.

Bà đã chỉ thẳng vào mặt thầy địa lý Tả Ao nói: “Tôi tưởng thầy đến đây để dạy dỗ giúp con tôi nên người, ai ngờ thầy lại định làm những việc bậy bạ. Thầy đi khỏi nhà tôi ngay. Nhà tôi không chứa những người như thầy”.

Biết người đàn bà phúc đức một lòng thờ chồng nuôi con, lúc này Tả Ao mới nói thật là thầy địa lý đi qua vùng biết chuyện bà thờ chồng nuôi con ăn học nên muốn giúp đỡ. Để kiểm chứng và thử phúc đức của bà nên mới làm vậy. Nói rồi thầy địa lý đặt vấn đề muốn giúp gia đình đặt lại hướng mộ cho ông nhà.

Nghe vậy, bà Từ Ý mừng quá, dù lúc bấy giờ nhà nghèo, bà vẫn quyết bán ruộng để nhờ thầy Tả Ao đặt lại mộ bố mẹ chồng và chồng. Giữ lời, thầy địa lý tìm đất đẹp và hợp táng ngôi mộ của bố mẹ chồng bà theo hướng “tiền phong hầu, hậu phong vương, tử tôn khoa giáp thế bất tuyệt”, nghĩa là trước được phong hầu, sau được phong vương, con cháu học hành đỗ đạt đời đời.

Khi đã xong xuôi mọi việc, thầy Tả Ao dặn bà sau này tuổi già sức yếu về với cõi Phật hãy bảo con cháu báo tin, thầy sẽ quay lại hợp táng cho bà và ông nhà. Khi bà qua đời, Tả Ao tiên sinh đã quay lại hợp táng cho bà và chồng, ngôi mộ được đặt theo hướng “khoa trường hữu song trúng chi cát“, đầu hướng về Tam Đảo (Vĩnh Phúc), chân đạp về Bạch Đằng giang. Với ngôi mộ này thầy Tả Ao đoán con cháu về sau sẽ phát đạt hiển vinh đời đời và trong thi cử sẽ có hai người cùng đỗ một khoa.

Ông Đàm Thận Sơn, Trưởng ban liên lạc dòng họ cho biết: “Tài liệu của dòng họ còn ghi lại, chỉ biết hai ngôi mộ tổ của dòng họ được thầy địa lý Tả Ao trấn yểm bằng hia và ấn tín, còn cụ thể những vật đó như thế nào tài liệu không ghi lại và cũng không ai được nhìn tận mắt”.

Quả nhiên đúng như những gì thầy Tả Ao định trước, sau này hai người con của hai cụ là Đàm Thận Huy và Đàm Thận Giản đều đỗ đạt cao và làm quan to trong triều. Đàm Thận Huy đỗ tam giáp đồng tiến sỹ niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490) và làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ.

Còn Đàm Thận Giản đỗ đệ nhị giáp tiến sỹ niên hiệu Cảnh Thống đời vua Lê Hiến Tông và làm đến chức Hộ bộ tả thị Lang. Vào đời vua Tương Dực, nhà vua hỏi ý kiến cụ Thận Huy muốn thăng cụ Thận Giản lên thượng thư bộ Công. Cụ Thận Huy đã từ chối khéo rằng: “Thần đã làm thượng thư, nay em thần lại lên thượng thư, thần e rằng thiệt đường cho người hiền tài trong thiên hạ”.

Đến đời các con của tiến sỹ Đàm Thận Huy tuy không làm quan to trong triều như cha và chú nhưng đều làm chức quan to ở địa phương, như Đàm Phúc Thiện làm Tri phủ Quốc Oai, còn Đàm Các Trai làm Tán trị thừa chính sứ đạo Lạng Sơn. Còn sau này nổi bật có Giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn; Giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; Giáo sư, Tiến sỹ vật lý Đàm Thanh Sơn.

Trải qua gần ngàn năm lịch sử, hai ngôi mộ tổ của dòng họ Đàm Thận vẫn yên vị một chỗ bất di bất dịch kể từ ngày thầy địa lý Tả Ao đặt mộ. Hai ngôi mộ bất khả xâm phạm của dòng họ cho đến nay vẫn còn nhiều điều khó lý giải, thế đất đẹp và việc trấn yểm huyệt phát tích có thực sự linh ứng hay không mà con cháu dòng họ nhiều đời liên tiếp đỗ đạt không dứt vẫn còn nhiều bí ẩn.

Tin bài liên quan